Khi nào bé ăn dặm được thịt cá và hải sản?
KHI NÀO BÉ ĂN ĐƯỢC THỊT CÁ VÀ HẢI SẢN
Khi nào bé ăn dặm được thịt cá và hải sản? Những loại hải sản nào giúp bé dễ tiêu hóa, hấp thu tốt các dưỡng chất cho nhu cầu phát triển thể chất? Mẹ cùng Oz Milk Nutrition tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
1. Khi nào bé ăn dặm được hải sản?

Theo các chuyên gia, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi. Nhưng thời điểm tốt nhất để bé ăn hải sản nên từ tháng thứ 8 vì lúc này hệ tiêu hóa của bé đã quen hơn với việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng sẽ dễ dung nạp với nhóm chất đạm từ hải sản, tránh phản ứng hay gây dị ứng.

Bước đầu làm quen, mẹ nên cho bé ăn thử các loại cá với một lượng thật nhỏ, quan sát phản ứng của bé rồi mới tiếp tục cho bé ăn nhé.


Dinh dưỡng từ hải sản cần có thời điểm phù hợp để bé hấp thụ.

2. Hải sản có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho bé ăn dặm

Sau khi chọn thời điểm khi nào bé ăn dặm được thịt cá, mẹ hãy ghi nhớ các chất dinh dưỡng có trong hải sản để có thể lên thực đơn phù hợp nhất cho bé:

Chất đạm: Hải sản, đặc biệt là cá biển, có chứa hàm lượng đạm cao giúp bé tăng sức đề kháng, phát triển toàn diện về thể chất và trí não
Canxi: Các loại cá, tôm và cua cung cấp nhiều canxi giúp xương chắc khỏe.
Omega 3: Có nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ… giúp bé phát triển trí não, tăng cường thị lực và còn có vai trò rất quan trọng với sức khỏe tim mạch.

Vitamin và khoáng chất: Sắt, phốt pho, selen và các vitamin A, D, B… có nhiều trong hải sản, giúp bé trao đổi chất tốt và phát triển khỏe mạnh.


Bổ sung hải sản cho bé ăn dặm giúp tăng cường nhiều dưỡng chất có lợi cho bé.

Nguồn shutterstock.

3. Cách lựa chọn hải sản cho bé ăn dặm

Khi bé mới ăn dặm với hải sản, mẹ nên chọn mua và bắt đầu với các loại cá, bởi lượng đạm trong cá dễ tiêu hóa hơn và ít nguy cơ gây dị ứng ở bé. Các loại hải sản có vỏ như cua, ghẹ, sò… nên cho bé ăn khi bé được 9 tháng tuổi.

Đối với các loại cá: Mẹ ưu tiên chọn các loại cá nước ngọt cho bé tập ăn như cá lóc, cá diêu hồng, cá rô… Khi đã quen vị, bé có thể ăn được các loại cá nước mặn nhiều Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ…

Đối với hải sản có vỏ: Mẹ nên cho bé ăn tôm, cua đồng, ghẹ có nhiều canxi và dễ tiêu hóa trước. Hàu, ngao, hến, sò… chỉ nên thêm vào thực đơn khi bé đã dần thích nghi nhiều loại đạm và dinh dưỡng khác nhau.

Đặc biệt, tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất khi mua hải sản chính là độ tươi ngon, nhằm đảm bảo an toàn và mang lại dinh dưỡng tốt nhất. Mẹo nhỏ cho mẹ chọn cá tươi là cá đang bơi hoặc cá còn nhớt bóng, mắt còn trong suốt, vảy cá không rời. Ngoài ra mẹ có thể tham khảo một số bí quyết chọn các loại thực phẩm khác để chuẩn bị món ăn dặm cho bé nhé.

4. Những lưu ý khi chế biến hải sản:

Vì hải sản còn sống có thể ẩn chứa vi trùng hoặc ký sinh trùng gây bệnh nên mẹ cần lưu ý chế biến đúng cách và nấu chín kỹ để bé yêu ăn dặm ngon khỏe nhé.

Với các loại cá: Làm sạch cá kỹ lưỡng, nấu sôi và chín nhừ để dễ gỡ bỏ xương cá. Đảm bảo không có xương để tránh làm bé hóc xương và dùng toàn bộ thịt cá xay nhỏ nấu cùng cháo hoặc bột ăn dặm nhé.

Với các loại hải sản có vỏ: Làm sạch vỏ bằng muối, luộc kỹ lấy nước để nấu cháo. Phần thịt để xay nhuyễn hoặc băm nhỏ cho vào cháo và bột ăn chung.


Mẹ biết cách chế biến hải sản an toàn giúp bé ăn ngoan hơn.

Thực đơn cho bé ăn dặm luôn cần thay đổi mỗi ngày. Dựa vào độ tuổi và quá trình phát triển của bé ở từng giai đoạn để mẹ xác định khi nào nên cho con ăn dặm hải sản, giúp bé được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu phát triển thể chất và trí não. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho ba mẹ trong hành trình ăn dặm của bé.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé sơ sinh và bé nhỏ.


 

Chuyên gia Trung tâm Dinh dưỡng Oz Milk Nutrition

BÀI VIẾT LIÊN QUAN