Nên làm gì khi bé ăn dặm không chịu uống sữa?

Nên làm gì khi bé ăn dặm không chịu uống sữa?

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng vì bé bắt đầu làm quen với các loại thực phẩm khác bên cạnh thức ăn chính là sữa. Tuy nhiên, từ lúc này một số bé ăn dặm không chịu uống sữa nữa khiến mẹ lo lắng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và mẹo xử lý mẹ nhé!

Nguyên nhân bé ăn dặm không chịu uống sữa

1. Trẻ bị thu hút bởi thức ăn dặm hơn là sữa

Khi bắt đầu ăn dặm, bé được tiếp xúc với những món ăn mà bé chưa từng thử hay nếm trước đây. Con dễ bị thu hút bởi hương vị mới và hấp dẫn, màu sắc bắt mắt của những thực phẩm ăn dặm như trái cây, rau củ, thịt cá. Và thế là bé sẽ hơi lơ là sữa, không chịu bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức nữa.

Bữa ăn dặm đủ chất có màu sắc bắt mắt trẻ.

2. Trẻ ăn quá nhiều đồ ăn dặm

Một nguyên nhân khác làm bé ăn dặm lười uống sữa là do bé đã quá no. Khi thấy trẻ hứng thú với những món ăn dặm, ba mẹ đã “chớp” lấy cơ hội, khuyến khích con ăn nhiều hơn, dẫn tới trẻ sẽ ăn dặm “vượt chỉ tiêu”.

3. Trẻ có vấn đề với sữa

Bước vào giai đoạn ăn dặm, nhu cầu bú sữa của bé giảm đi vì thế tuyến sữa của mẹ không còn nhận sự kích thích thường xuyên và hiệu quả nữa. Do vậy, sữa được sản sinh ít, không dồi dào như trước cũng là một nguyên nhân làm cho bé chán dần và bỏ sữa. Với những bé đang uống sữa công thức, có khả năng bé không còn thích hương vị đó hoặc cũng có thể mẹ pha sữa không đúng tỉ lệ, làm giảm hương vị, hàm lượng dinh dưỡng, …khiến trẻ không còn hứng thú với sữa.

Tỷ lệ pha sữa công thức chưa đúng có thể làm em bé không chịu uống sữa.

4. Mẹ cho bé ăn dặm quá sớm

Thực tế, không nên cho bé ăn dặm khi bé còn dưới 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện. Khi cơ thể chưa sẵn sàng mà đường ruột bé đã phải hoạt động hết công suất, có thể ảnh hưởng chức năng về tiêu hóa và khẩu vị, trong đó có thể có tình trạng ngán sữa hoặc thậm chí không còn muốn uống sữa nữa.

Bé ăn dặm lười uống sữa trong thời gian dài có vấn đề gì không?

Sữa mẹ và sữa công thức lần lượt là nguồn dinh dưỡng chính và bổ sung cho bé trong 12 tháng đầu đời. Các thực phẩm khác chỉ là bữa phụ và không thể thay thế được. Mẹ hãy quan sát kỹ, đặc biệt là cân nặng, chiều cao và sức đề kháng trẻ, để tránh gặp vấn đề bé không chịu uống sữa kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bé:
  • Bé có thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như chất béo, chất đạm, carbohydrate, kháng thể thụ động, vitamin – khoáng chất, men và hormone.
  • Sức đề kháng của bé giảm đi, chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí não.
  • Bé lười uống sữa và ăn dặm nhiều hơn, từ đó năng lượng vượt quá nhu cầu thì dễ thừa cân.

Cho con ăn sớm dễ khiến em bé không chịu uống sữa.

Phương án giúp bé “mặn mà” trở lại với sữa
  • Kiểm tra sức khoẻ bé: Để đảm bảo sức khỏe cho con yêu, tốt nhất mẹ nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe của bé có bình thường không. Nếu sức khỏe bé có vấn đề thì bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bé trở lại uống sữa bình thường sau khi bình phục thôi.
  • Xem lại chế độ ăn dặm của bé: Một chế độ ăn hợp lý nên có thời gian cách nhau 3 – 4 tiếng giữa các bữa và mỗi bữa lượng thức ăn phải hợp lý tùy theo độ tuổi và cân nặng. Điều này đảm bảo không khiến bé quá no, tránh ảnh hưởng khẩu phần cũng như bữa ăn kế tiếp.
  • Xem lại nguồn sữa: Mẹ cho bé uống sữa có pha sữa công thức xem lại hạn sử dụng của sữa, đúng với độ tuổi, và nếu có thể nên cân nhắc thay đổi hương vị sữa mới giúp bé chống ngán. Nếu bé bú sữa mẹ thì mẹ nên có chế độ ăn hợp lý, bổ sung thực phẩm lợi sữa, để có một nguồn sữa tốt, bé sẽ ham bú hơn.

Chung quy lại, ba mẹ nên chuẩn bị kỹ càng kiến thức và thực đơn cho giai đoạn ăn dặm của bé thật khoa học. Từ đó sẽ giảm được các vấn đề gây trở ngại việc nuôi con như bé ăn dặm không chịu uống sữa và giúp bé phát triển toàn diện nhé. Mong rằng những thông tin tổng hợp trên giúp ba mẹ nào đang gặp phải tình trạng này tìm được nguyên nhân và giải pháp sớm cho bé yêu thêm khỏe mạnh nhé!

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

Chuyên gia Trung tâm Dinh dưỡng Oz Milk Nutrtion


BÀI VIẾT LIÊN QUAN